XtGem Forum catalog
Niemvuigiaitri
Niemvuigiaitri.Xtgem.Com

Nơi Hội Tụ Mọt Sách
HomeTìm KiếmPh.Chat
>>>Phím tắt(ấn vào đây nếu thấy Xtscript error: timeout)
Hoa bất tử có thật - Khôi Vũ
↓↓ > > Hoa bất tử có thật - Khôi Vũ
MT932-HJ (Sáng Lập Viên)
Tác giả: Khôi Vũ

Gia đình tôi ở trong số những gia đình phải tha hương, lìa bỏ làng mạc tổ tiên, họ hàng xóm giềng và nếp sống quen thuộc nhiều năm mà đi xa. Riêng cha tôi thì trước khi gặp lại mẹ tôi, đã có một số năm phải bôn ba khắp xứ Đông Dương cũ, rồi lưu lạc qua Trung Quốc, rồi trôi dạt vào đất Nam Bộ, sống chết, no đói trông cậy vào bàn tay và số phần. Mãi tới khi tôi lên sáu, gia đình tôi mới có một mái nhà riêng, cha mẹ tôi mới có một nghề nghiệp ổn định. Đó cũng là năm tôi bắt đầu đi học.

Cha mẹ tôi thường kể cho anh em tôi nghe những câu chuyện về làng quê cũ của ông bà. Đó là những câu chuyện rời rạc về đất, về người, về sinh hoạt của một vùng quê xa xôi được kể đi kể lại nhiều lần. Kể trong bữa cơm, Kể vào một đêm trăng, vào một ngày giỗ, Tết hoặc vào một lúc nào đó bất kỳ mà một việc gì, một chuyện gì đột nhiên gợi nhớ. Lâu ngày, những mẩu rời rạc ấy in vào trí nhớ tôi, vừa tự chắp nối lại và không biết tự bao giờ đã hình thành trong tôi một cái làng quê quen thuộc mà tôi chưa từng trông thấy.

Đó là một cái làng nhỏ nằm ven sông Luộc, một dòng sông nhánh của sông Hồng, ẩn sau hai con đê trong, ngoài chắn lụt. Ở đó, người ta làm ruộng, trồng cây ăn trái, trỉa bắp, đậu, trồng khoai, nuôi cá trong ao nhà và đặc biệt là trồng đay, mua cói từ một huyện biển cùng tỉnh về dệt chiếu. Khu nhà ở của ông bà nội tôi vốn là một khu ruộng được các bậc tiền bối vượt đất lên thành thổ cư, chung quanh có ao cá và vài chục gốc nhãn lấy giống từ xứ nhãn Hưng Yên nổi tiếng bên kia sông về trồng. Đất đai nhà cửa của ông bà ngoại tôi thì ở sâu hơn tận cuối làng.

Giống như bao người làng khác, những người đàn ông, đàn bà, trẻ con có hiểu biết và sức lực đến mức nào đó, đều phải tham gia vào một công đoạn của nghề dệt chiếu truyền thống. Làng tôi nổi tiếng là một làng chiếu từ bao đời, nghe nói ngày xưa đã từng được làm chiếu cho vua chúa. Ngày nay, khắp một vùng châu thổ sông Hồng, chiếu đơn, chiếu đậu của làng tôi vẫn có mặt, tung hoành ngang dọc trên thị trường. Tuy nhiên, chính cái nghề tuuyền thống này lại đã làm cho nhiều người đàn ông không thể nào đạt tới chiều cao trung bình vì từ nhỏ đã phải cực khổ vác cói, vác đay oằn nặng đôi vai. Ở đó cũng có nhiều người, cả đàn ông lẫn đàn bà, tuổi mới ngoài năm mươi mà lưng đã còng, tưởng chừng thân hình có thể gập đôi lại, vì trải qua mấy mươi năm ngồi bên go chiếu. Cả làng thờ ông quan trạng đã truyền dạy nghề chiếu trong một ngôi đình cổ kính. Người ta kể truyền khẩu nhiều chuyện về ông trạng ấy. Chẳng hạn chuyện khi ông đi sứ Trung Quốc lần đầu, đã quan sát được dụng cụ dệt chiếu nhưng còn quên một bộ phận nào đó. Tới lần đi sứ thứ nhì, ông bèn ngỏ ý thèm ăn rau muống, rồi khi gắp, ông cố ý gắp một cọng rau dài để có thể ngửa cổ, bề ngoài là ăn rau một cách dung tục, kỳ thực là để có thể nhìn cái bộ phận dệt chiếu mà chủ nhà treo trên sà nhà để giấu nghề. Những chuyện truyền khẩu khác cũng chẳng thiếu. Như chuyện người đàn bà nọ ở làng bên, mấy lần sinh con trai đều không nuôi được bèn lấy đất sét gắn vào mí mắt xác đứa trẻ sau cùng trước khi chôn, ít lâu sau ở làng này có người sinh được đứa con trai nơi mí mắt có một vết chàm đỏ như đất sét. Người ta gọi đó là chuyện lộn con...

Có lần tôi hỏi cha tôi:

- Làng quê mình chắc phải đẹp lắm phải không cha? Chắc phải vui lắm phải không cha?

Cha tôi đang vui chợt buồn. Giọng ông trầm hẳn đi và cũng chậm rãi hẳn đi như đang cố nén một tình cảm không bình thường:

- Không đâu con ạ. Làng quê mình chẳng có gì đẹp đẽ như con tưởng, mà lại có nhiều chuyện buồn hơn chuyện vui nữa kìa...

- Thế tại sao mỗi khi kể chuyện làng quê, con thấy cả cha lẫn mẹ đều hào hứng, vui vẻ hẳn lên?

Cha tôi mỉm cười, giọng ông vẫn trầm và chậm:

- Đó là vì cha mẹ phải sống xa làng quê nên lòng canh cánh nhớ. Sự nhớ nhung làm cho người ta thấy mọi kỷ niệm cũ đều trở thành đẹp đẽ cả.

Ngày ấy, tôi chưa hiểu hết ý nghĩa câu trả lời của cha tôi, chưa thể hiểu thế nào là mãnh lực kỳ diệu của tình yêu quê hương, làng xóm...
Nhưng từ ngày ấy, tôi bắt đầu để ý hơn đến nơi mình đang sống, một xóm ngoại ô tỉnh lỵ miền Đông. Những hình ảnh nơi đây dần khắc đậm nét trong tâm trí tôi. Đó là con đường xuyên qua xóm tuy là quốc lộ nhưng bề ngang chỉ có tám mét, dài không quá hai cây số mà có đến những hai khúc quanh, cứ như là một con người hiếu động phải cựa mình qua lại mới thỏa lòng. Đó là những ngôi nhà lợp tôn, lợp ngói xây dựng trên nền đất của một khu rừng cao su cũ hoặc trên ruộng lúa được đổ đất núi lên cao bằng mặt đường. Những năm chưa có điện, đêm đêm những ngọn đèn dầu mờ tỏ cùng ánh trăng, ánh sao, tiếng máy thu thanh chạy pin hay bình ắc quy lẫn với tiếng trẻ con nô đùa, tiếng cãi vã; đôi khi là tiếng ếch nhái, tiếng dế rích đêm mưa. Đó là những gánh hàng rong nào bún riêu cua, tàu hũ... mà người bán là những phụ nữ nghèo có tiếng rao lanh lảnh lại đượm buồn. Sáng sáng, người đưa báo dừng xe đạp trước cửa nhà khách mua báo tháng, trao tận tay một hai tờ nhật báo hoặc ném vào sân nhà vắng chủ. Còn ông bán bánh mì thì cong lưng đạp chiếc xe đạp nơi yên sau khoác cái thùng tôn gò hình chữ U ngược đựng bánh mì nóng, xíu mại, giò chả, đồ chua, xì dầu, muối tiêu cùng những mẩu giấy báo rọc nhỏ xíu bằng lòng bàn tay...
1234Sau »
Chia sẻ lên: share facebookshare googleshare twitter
Nếu phát hiện truyện có sự cố như thiếu,sai sót,..các bạn vui lòng báo cho Admin Qua facebook để mình chỉnh sửa sớm nhất nhé.
http://fb.com/laukho.nuocmat.501
↑↑ | Xem thêm các bài viết khác cùng chuyên mục với bài viết Hoa bất tử có thật - Khôi Vũ
TOP BÀI VIẾT
>>7 ngày làm gia sư - fmnghuy (full)
>>Hoàng tử lạnh lùng và cô nhóc lanh chanh
Xem thêm tác phẩm hot...
Trang Chủ | Reload | Liên hệ