Được cấp cứu, nàng tỉnh lại ngay. Bằng giọng lo sợ, nàng tố cáo với phi hành đoàn là có một hành khách đang tự sát bằng rượu. Viên phi công trưởng đổ xô xuống ca-bin và gặp … Văn Bình. Té ra Văn Bình là bạn. Cô tiếp viên bị một phen tẽn tò.
Văn Bình kể truyện cả ngày đêm cũng chưa hết giai thoại về rượu. Uống rượu ở nhà bạn bè, trong tiệm, trên máy bay, ở đâu chàng cũng làm thiên hạ điên đầu. Nhưng một trong những giai thoại mà chàng hay nhớ nhất mỗi khi ngự trên con chim sắt vân du bốn phương đã liên quan đến một nữ tiếp viên trẽ măng và diễm lệ của công ty Pan American Airways, chạy đường Thái bình Dương.
Nàng yêu Văn Bình nên mỗi lần ghé Sài gòn đều không quên ở lại với chàng một đêm. Mỗi khi qua Mỹ chàng cũng chờ chuyến nào có nàng mới chịu đi. Nàng chiều chuộng chàng hết mực. Chàng uống rượu như rồng uống nước, nàng mang đến đâu chàng uống hết đến đấy khiến nàng phải …ăn cắp rượu của công ty để cung phụng chàng. Lệ thường các hành khách chỉ uống qua quýt nên chuyến bay nào cũng còn dư rượu. Còn dư thì phải trả lại cho công ty, có sổ sách hẳn hoi. Mỗi chuyến bay, nữ tiếp viên phải làm một bản phúc trình về số rượu xử dụng, tiếng Anh gọi lóng là booze report. Người đẹp của Văn Bình phải học đòn phép quốc tế để lấy rượu. Đòn phép này, bất cứ nữ tiếp viên phi hành nào cũng am hiểu (trân trọng xin lỗi các cô nhé!), ấy là tưới trên thảm chân dăm bảy giọt rượu rồi tưới thêm nước lạnh cho vết rượu loang rộng. Như vây là đủ: khi đáp xuống phi trường, nàng chỉ cần phúc trình là đang bưng hai khay rượu trên hai tay, mỗi khay có 6 ly, vị chi 12 ly, thì con tàu vô phước bị tròng trành thật mạnh khiến cô em liễu yếu đào tơ đánh đổ xuống hết sàn tàu. Rượu trên phi cơ được đựng trong ve nhỏ nên cô em có thể tự do cất luôn 12 ve và ghi vào cái mục “đánh đổ”. Ban giám đốc thừa biết là các em làm trò quỷ thuật nhưng không dám ho he vì có Trời mới tìm được bằng chứng, vả lại các em không bắt đền công ty về khoản đồng phục phi hành và làn da trắng như ngó sen bị hôi mùi rượu đã là đại phúc rồi …
Đặt vấn đề rượu với cô em tiếp viên Tiệp khắc, Văn Bình đinh ninh nàng sẽ bắt chước các nữ đồng nghiệp trên thế giới nhoẻn miệng cười và nói:
- Ông chỉ được gọi tối đa là hai ly thôi đấy.
Chàng không ngờ là nàng lắc đầu lia lịa:
- Thưa ông, phi cơ này không có rượu. Chỉ có cà-phê hoặc trà và bánh ngọt.
- Có sách giải trí không cô?
Phi cơ Tây phương thường có đủ loại sách báo, ngoại trừ những thứ mà đàn ông khoái nhất, đó là sách báo gợi tình. Nhiều khi Văn Bình không hiểu tại sao Mỹ là nước tự do mà lại cấm tạp chí Playboy trên máy bay. Đành rằng Playboy chỉ in toàn hình đàn bà ở truồng, nhưng đó đều là hình đẹp có tính cách mỹ thuật. Tuy khỏa thân, giai nhân Playboy chỉ để lộ đôi nhủ hoa.
Cô em tiếp viên nhanh nhẩu:
- Thưa ông, có.
Nàng mang lại cho chàng một xấp tạp chí in hình lòe loẹt. Song Văn Bình xua tay:
- Trời ơi, toàn là ảnh công nhân cày ruộng, nuôi heo và xúc đất, tôi không thích …
- Vậy ông thích gì?
Chàng ngẩng mặt nhìn nàng cười một cách đầy ý nghĩa mời mọc. Một lần nữa, hai má nàng đỏ gay. Trong cơn e thẹn, nàng đẹp dội lên. Văn Bình muốn kéo nàng vào lòng, hôn vào cặp môi bóng nhẫy …
Phi cơ từ từ lên cao.
Hàng ghế phía trước bỏ trống nên Văn Bình duỗi chân gác tréo trên thành ghế. Chàng vặn nút cho ghế ngả xuống để nằm cho thoải mái. Chàng đậy cái mũ phớt lên mặt giả vờ ngủ. Lệ thường, ghế phi cơ đối với chàng là gường ô-ten. Phi cơ chưa cất cánh là chàng đã ngủ say. Nhiều khi đến nơi chàng vẫn rềnh rang chưa chịu dậy. Chàng có thói quen ngủ bù như vậy vì ở dưới đất ít khi chàng có dịp o bế cặp mắt, phần vì chàng phải hoạt động nguy hiểm liên miên, phần khác cũng vì chàng du hí liền tù tì hàng tuần, hàng tháng thức trắng bên cạnh người đẹp.
Nhưng trong chuyến đi Anbani này chàng không buồn ngủ. Dẫu chàng vận công, tự kỷ ám thị mãnh liệt để tìm giấc ngủ, mắt chàng vẫn mở thao láo. Không phải vì chàng hồi hộp trước những nguy hiểm sắp tới. Mà vì trí óc chàng đang bị tràn ngập bởi hình bóng kiều diễm và nõn nà của cô gái chỉ ngồi cách chàng mấy thước.
Phi cơ bay về hướng tây-nam. Con đường này, Văn Bình đã đi nhiều lần trong thế chiến thứ hai. Sau thế chiến, hoạt động trong vùng ban-kăng, chàng đã viếng thăm những cộng hòa thân cộng mới thành lập, bề ngoài là du khách hiền lành nhưng bên trong là để móc nối với những thành phần chống Liên sô ở địa phương để phục vụ cho hệ thống điệp báo của ông Hoàng.
Vì vậy chàng chỉ nhìn đồng hồ tay là biết phi cơ đang bay trên không phận nước nào. Qua Uy-cờ-ren, phi cơ vượt biên giới sô viết, tiến vào vùng trời Lỗ mã ni. Chàng mới xa vùng này một thời gian mà tình thế biến đổi. Lỗ không còn là đàn em ngoan ngoãn của Liên sô nữa. Phi cơ mỗi lúc một lên cao và xuyên qua dẻo đất phía bắc của Bảo gia lợi. Sau hết là bay ngang miền nam của Nam tư trước khi đến Anbani.