Văn Bình nhăn mặt khi thấy tấm bảng trắng to tướng trên in một giòng chữ đỏ gần đầy bề ngang và bề dọc :
- " Thang máy hỏng "
Thang máy hỏng là một trong những nỗi khổ của người ở chung cư và khách sạn. Tùy nhiên, ở các nước Tây phương, hoăc ngay cả ở Sài gòn, thỉnh thoảng tệ trạng này mới xảy ra. Trong khi ấy, thang máy lại hỏng thường xuyên ở Liên sô. Hỏng nhiều đến nỗi lữ khách sợ không dám dùng nữa. Nhưng nghĩ cho cùng thì thang máy hỏng như vậy mà lợi. Vì phải đi bộ từ lầu cao chót vót xuống tầng dưới, hai chân trở nên dẻo dai và cơ thể được tập thể dục khỏe mạnh.
Đối với Văn Bình thì chạy lên chạy xuống khách sạn Metropole hàng chục lần cũng không làm chàng mỏi mệt. Nhưng hôm nay chàng lại cảm thấy hụt hơi. Chàng dừng lại một phút để thở.
Lát sau chàng mới xuống đến phòng tiếp tân bên dưới. Không ngó ngang, nhìn ngửa, chàng lẳng lặng bước ra đường.
Trời mới tối mà đường sá đã bắt đầu vắng. Chàng đi được một quãng ngắn thì nghe phía sau có tiếng giày lộp cộp. Kẻ lẽo đẽo phía sau phải là nhân viên mật vụ có trách nhiệm theo dõi chàng vì hắn luôn luôn cách chàng 10 thước, căn cứ vào âm thanh đế giày nện trên vỉa hè.
Điều làm ngoại kiều bực mình nhất ở Mạc tư khoa là nạn nhân viên KGB bám sát ngày đêm như bóng với hình. Mật vụ đi theo một cách công khai, không cần giấu diếm. Khách về phòng trọ thì hắn đi đi lại lại dưới đường, chốc chốc lại nhìn lên cửa sổ, hoặc vào thẳng lữ quán, đứng chềnh ềnh ngoài hành lang trước cửa phòng. Thậm chí khách vào cầu tiêu công cộng, mật vụ cũng vào theo. Tuy nhiên, tùy theo khách được KGB tín nhiệm nhiều hay ít, sự theo dõi sẽ được gai tăng hay giảm thiểu. Dầu sao Văn Bình cũng là đặc phái viên của công ty Maxman có cảm tình với chế độ Sô viết. Chàng vẫn bị mật vụ canh chừng, nhưng sự canh chừng này không đến nỗi quá khe khắt.
Tiếng giày vẫn gõ đều sau lưng chàng.
Âm thanh nặng nề chói tai này chứng tỏ gã mật vụ KGB dận giày GUM. GUM là tên một siêu thị quốc doanh tọa lạc gần khách sạn mà Văn Bình cư ngụ. Hệ thống thương mãi tư nhân dường như không có, dân chúng muốn mua gì phải vào siệu thị của Nhà nước. Nghĩa là phải xếp hàng dài giằng dặc và phải xin tích-kê phiền phức. Từ sau ngày Sít ta Lin, nhà độc tài sắt máu, nằm xuống và Cút-Sếp lên thay thế, tình trạng xếp hàng dài giằng dặc đã giảm bớt, hàng hóa được bày bán nhiều hơn. Tuy nhiên, phẩm chất vẫn xấu như trước.
Và một trong các hàng hóa thiết dụng bị ta thán nhiều nhất là giày da. Giày đóng đã xấu, da thuộc còn xấu hơn, trời nắng thì mềm xèo, trời lạnh thì cứng như thép. Liên sô vốn là xứ lạnh quănh năm nên đôi giày GUM trở thành cực hình, làm bàn chân xây xát.
Các xí nghiệp đóng giày của Nhà nước sản xuất không kịp nên số giày chỉ được bán ra hạn chế, dân chúng bắt buộc phải tiết kiệm. Thành phần phải dè xẻn đế giày nhất là nhân viên KGB phục vụ trong ban Kiểm soát Ngoại nhân. Nhiệm vụ tối ngày của họ là theo dõi tình nghi ngoài đường, đế giày luôn luôn cọ sát với đá sỏi nên chẳng bao lâu phải mòn vẹt. Giày da lại chỉ được cấp phát theo hạn kỳ đã định, nhân viên Kiểm soát Ngoại nhân đành phải đóng thật nhiều cá sắt vào đế.
Thành ra mỗi khi họ cất bước là đế giày kêu vang " cộp cộp, cộp cộp ", như nuốn dõng dạc báo tin cho người bị theo ở phía trước.
Cộp, cộp... cộp cộp....
Văn Bình giả vờ buộc dây giày để quan sát diện mạo của gã mật vụ. Hắn trạc ba mươi, dưới ánh đèn đường hắn trông già khằn, cái miệng vẩu, cổ cao lêu nghêu, chân đi khập khiễng. Văn Bình biết hắn cà nhót không phải vì có tật, mà chính vì đôi giày GUM quá cứng. Tự dưng chàng đâm ra thương hại gã đi theo, thương hại toàn thể nhân viên mật vụ Sô viết... Với thân hình gày còm, cà rịch cà tang này, gã mật vụ chỉ chịu đựng được một cái khoèo chân nhẹ nhàng của chàng là lăn chiêng trên mặt lộ.
Nhưng chàng vẫn thản nhiên bước tới.
Con đường chàng đang đi là đại lộ chính của thủ đô Liên sô với Bảo tàng viên Lịch sử và Bảo tàng viện Lênin, choán hai khu nhà đồ sộ, nhìn xuống Công trường Đỏ rộng mênh mông. Ban ngày, du khách thường có mặt trên con đường này để vào siêu thị GUM ngắm nghía, hoặc bỏ 3 rúp để mua vé vào thăm mặt ngoài của điện Cẩm linh, trụ sở đầu não của chính quyền Sô viết, hoặc đến viếng mộ phần của Lênin, thủy tổ của đảng cộng sản và Nhà nước Liên sô. Trước đây, Sít ta Lin nằm cạnh Lênin nhưng sau đó đã bị mang đi đâu mất tích. Cuộc sống phía sau bức màn sắt là thế : không ai dám nghĩ đến ngày mai, vì không thể biết ngày mai ra sao.
Tiếng giày của gã mật vụ vẫn nện đếu sau lưng Văn Bình. Thường lệ, nhân viên KGB hoặt động từng cặp. Nhân viên đi theo Văn Bình có thể bị một nhân viên khác đi theo. Và cũng có thể có nhân viên kiểm soát thứ ba nữa. Tuy nhiên, Văn Bình không tin KGB lại cho nhiều nhân viên đi theo chàng. Vì chàng được coi là cảm tình viên. Vả lại, chàng chỉ là một công dân Mỹ thèm đồng rúp Sô viết.
Đến một cái ghế gỗ công viên Văn Bình ngồi xuống. Nơi này ban ngày chim bồ câu xà xuống từng đàn, lữ khách thường mua bắp rang bán rong để ném cho chim ăn. Trời mới tối công viên đã vắng heo, vắng hút. Bầy chim bồ câu và bọn bán bắp rang cũng không thấy đâu nữa.