Gã béo đã lủi đầu mất. Té ra hắn chỉ có trách nhiệm hộ tống chàng từ sân bay về đến lữ quán. Từ phút này trở đi là trách nhiệm cũa gã thanh niên tầm thước.
Hắn trạc độ 25, 26, cái tuổi không già cũng không trẻ. Đối với các hoạt động thương trường hoặc kỹ nghệ thì 25 tuổi là còn non, song trong ngành điệp báo thì đó là tuổi lớn. Phần lớn nhân viên gián điệp đều chết hoặc giải nghệ trước khi quá 30.
Thân thể và diện mạo hắn không có nét nào đặc biệt. Văn Bình không thể đặt tên cho hắn là gã béo hoặc gã gày. Mọi bộ phận trên người hắn đều thuộc cỡ trung bình, không cao không thấp, không lớn không nhỏ, không dài không ngắn, không nặng cũng không nhẹ. Hắn có bộ mã tầm thường cũng như hàng ngàn, hàng vạn nhân viên an ninh lão luyện khác trên thế giới. Chính sự tầm thường ấy lại rất nguy hiểm.
Điểm đặc biệt duy nhất trên mặt hắn là một vết thẹo. Vết này không lấy gì làm lớn. Nó nằm khuất dưới vành tai, phải quan sát kỹ mới nhìn thấy.
Không biết tên hắn, Văn Bình đành đặt tên hắn là “gã thẹo” vậy.
Gã thẹo xun xoe dẫn đường. Văn Bình định xách cái va-li đựng quần áo lên thì một nhân viên khách sạn ốm o le te chạy ra. Hắn lẩn trốn ở đâu mà bây giờ mới thấy mặt. Muộn còn hơn không, vì được bồi xách va-li là hên lắm rồi. Tại các quốc gia cộng sản, vấn đề xách va-li cho khách được coi là xa xỉ phẩm hạng nhất. Nhiều khi còn được coi là vi phạm chủ quyền quốc gia nữa là khác. Trong những dịp hoạt động tại Hà nội, Văn Bình đã phải xách hành lý lên lầu, xuống lầu mỏi tay, è cổ.
Tên bồi có vẻ không được ăn no nên ì à ì ạch mới vác nổi cái va-li mà Văn Bình chỉ cần một ngón tay là rón lên được. Mặt hắn rám nắng nhưng vẫn xanh mét. Mặt trời ở công trường chỉ có thể đốt cháy làn da chứ không che giấu được vẽ thiếu ăn và bệnh hoạn. Dân Anbani là dân nghèo nhất, cực nhất trong đám chư hầu cộng sản Đông-Âu.
Gã thẹo đã vọt lên cầu thang từ trước. Văn Bình hơi ngạc nhiên khi thấy hắn quên mở cửa thang máy. Té ra cái bệnh thang máy hỏng là bệnh chung của toàn thể thế giới “xã hội chủ nghĩa”.
Thấy chàng dán mắt vào cái thang máy đồ sộ, kền sáng bóng, tên bồi cười một cách thiểu não:
- Phiền ông dùng cầu thang thường vậy.
Văn Bình cũng cười:
- Thang máy hư?
- Thưa ông. Hôm qua nó mới hư. Còn hôm nay thì điện hư.
- Còn mai? Liệu nó còn hư nữa không?
Tên bồi không hiểu rằng chàng có ý châm biếm tàn nhẫn. Nên trả lời một cách hiền lành:
- Ồ, một tháng 30 ngày thì nó được nghỉ 25 ngày. Nó còn sướng hơn chúng tôi gấp chục lần.
- Tại sao không thay máy mới?
- Vì cái thang máy khốn nạn này chỉ có mã ngoài là mới, bên trong là động cơ do Liên sô chế tạo. Từ năm 1961, đồng chí chủ tịch Hoxha tẩy chay bọn xét lại Liên sô thì bộ phận thay thế thang máy cũng hết.
Hai người đã lên đến nửa cầu thang. Gã thẹo đã tới lầu trên từ nãy. Giờ đây chỉ có Văn Bình và tên bồi. Chàng lấy trong túi ra tờ 10 đô-la xòe rộng ra, áp vào mắt hắn. Buộc-boa 10 đô-la cho bồi phòng là chuyện quá thường đối với Văn Bình. Nếu bồi phòng là hoa thơm của giống cái, đã có lần chàng buộc-boa ba, bốn tờ giấy trăm đô-la một lúc. Đó là tặng không. Trong trường hợp có này nọ, tiền tặn, có thể lên đến cả ngàn.
Anbani xài một loại tiền gọi là đồng lek. Cứ 5 đồng lek ăn một đồng đô-la. Giỏi lắm tên bồi được lãnh hai ba chục lek một tháng. Nghĩa là 10 đô-la tương đương với hai tháng lương của hắn.
Trước tờ bạc xanh thơm phức, mắt hắn đang ti hí vì sợ ánh sáng bỗng mở toét ra. Miệng hắn cũng loe tròn như cái ống nhổ. Văn Bình thấy tay hắn run run, chân hắn run run, toàn thân hắn đều run run. Chắc hắn từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến nay hắn chưa khi nào được khách thưởng một món tiền lớn như vậy.
Hắn nói không ra hơi:
- Thưa, ông cho tôi?
Văn Bình nhét vào túi trên của hắn:
- Ừ, cho anh đấy.
- Thưa, ông cho cả?
- Ừ, chẳng lẽ bắt anh xé lại một nửa.
- Thưa, đó là 10 đô-la Mỹ.
- Ừ, đúng 10 đô-la.
- Ông cho cả 10 đô-la.
- Dĩ nhiên là cho cả. Tại sao anh hỏi đi hỏi lại ngây ngô như thế? Hoảng hốt, hắn rút tờ bạc ra khỏi túi áo trên đút thật nhanh vào trong cạp quần. Hắn đã tỏ ra có khá nhiều kinh nghiệm. Tại Anbani, chỉ trò truyện với ngoại nhân cũng đủ bị tù. Trên khắp nước có chừng 15 trại giam. Dân số chưa tới 2 triệu mà gần 90.000 người bị tù, và gần 9.000 người chết trong tù, kể ra đó cũng là một thành tích đáng ghi nhớ. Tại nhiều vùng trong xứ, luật pháp còn dùng roi vọt làm hình phạt. Hình phạt thường thấy nhất là một viên đạn vào gáy. Nửa đêm về sáng, một chiếc xe hơi đậu xịch trước cửa, nạn nhân bị lôi đi, và không bao giờ trở về nửa. Nạn nhân không hề bị đưa ra tòa để xét xử hoặc lãnh án. Mà chỉ bị đưa vào trụ sở Sigurimi, thẩm vấn qua loa rồi ăn đạn.
Phòng của Văn Bình ở lầu nhất. Gã thẹo đã mở cửa sẵn, và đợi bên ngoài.
Tên bồi khúm núm xách va-li vào trước. Văn Bình đoán chắc hắn phải là nhân viên mật vụ. Chàng đã đánh một nước cờ dò đường, tuy nhiên chàng không sợ thua vì quan sát vẻ mặt của tên bồi sau khi nhận tiền chàng biết hắn sẽ không báo cáo với cấp trên. Kinh nghiệm cho thấy những chế độ độc tài nghiệt ngã nhất cũng là những chế độ dễ hối lộ nhân viên công lực nhất.